Trong truyện ngắn “Đời thừa,” Nam Cao đã viết: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có.”
Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, và có đóng góp quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam. Ông có quan điểm nghệ thuật sâu sắc, tiến bộ đạt được thành tựu xuất sắc, và ông cũng là nhà văn có phong cách độc đáo.
Câu nói ngắn gọn này đã tóm tắt những yêu cầu gắt gao, nghiêm túc đối với người sáng tác văn chương. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một kiểu mẫu đưa cho. Điều này ám chỉ rằng văn chương không đơn giản chỉ là việc đẽo gọt, khuôn sáo, hời hợt. Người thợ, dù khéo léo, chỉ tạo ra những sản phẩm hàng loạt theo mẫu mã có sẵn, là hình thức bắt chước. Nhà văn khác biệt hoàn toàn. Đó là quá trình nghiền ngẫm, khám phá, tìm tòi những nội dung mới và hình thức diễn tả mới để tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị, mang bản sắc riêng của từng nghệ sĩ.
Nam Cao đã diễn đạt một cách đặc thù hình ảnh lao động của nghề văn trong truyện ngắn “Những chuyện không muốn viết”: “Cái nghề văn kị nhất là cái lối thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” tức là nó tối kị sự sao chép, bắt chước. Với một yêu cầu nghiêm khắc về nghề, nhà văn quan niệm: “Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái gì chưa có”.
Đúng vậy. Mọi nghệ sĩ chân chính, có tài năng, đều khao khát sáng tạo ra những tác phẩm chân chính, sâu sắc. Nhưng họ không bao giờ bằng lòng với lối sao chép, rập khuôn hay phản ánh hiện thực cuộc sống trên bề mặt của nó. Nhà văn phải có cái nhìn nhạy bén và sâu xa hơn người để phát hiện những vấn đề sâu kín ở bề sâu của đời sống. Họ mang đến cho người đọc những khía cạnh mới, những vấn đề mới đầy bất ngờ, sâu sắc, thú vị, và có khả năng đánh thức trí tuệ và trái tim. Những tác phẩm của nhà văn tài năng phải là những tìm tòi mới, những khám phá mới.
Khi đọc tác phẩm của Nam Cao, ta được tiếp nhận một phong cách nghệ thuật thật độc đáo và mới lạ. Độc đáo từ cách phát hiện đề tài, xử lí đề tài, đến hành văn, giọng điệu, kết cấu, nhân vật, và ngôn ngữ. Ngay cả cái tên của nhân vật mà ông chọn cũng chẳng giống ai. Những tên như Lang Rận, Chí Phèo, Đĩ Chuột; hoặc Lê Văn Rự, Trạch Văn Đoành… không giống bất kỳ tên nào khác. Cả tên của các tác phẩm của Nam Cao cũng thật ngộ nghĩnh (Rình trộm, Tư cách mõ, Thôi, đi về…).
Tuy nhiên, cái độc đáo của Nam Cao bộc lộ chủ yếu ở cách thức nhà văn đi sâu, tìm tòi, khám phá và diễn tả cái bề sâu của đời sống hiện thực. Cũng như các nhà văn hiện thực khác, ngòi bút của ông chủ yếu hướng tới những con người bần cùng, khốn khổ. Ông không hề làm ngơ trước chuyện rách áo, đói cơm, vốn là hiện thực phổ biến thời bấy giờ. Nhiều chuyện ông viết về miếng cơm, mảnh áo thật cảm động, xót xa, có thể làm rơi nước mắt. Nhưng trung tâm cảm hứng của ngòi bút của Nam Cao chủ yếu hướng về nỗi khổ đau về đời sống tinh thần, những nỗi đau xót âm thầm nhưng đữ dội, những bi kịch nội tâm, những xung đột giằng xé giữa cái xấu và cái tốt, cái cao thượng và cái thấp hèn, cái nhân hậu và cái ích kỉ, độc ác…
Ít có ngòi bút nào lấn sâu đến chỗ tận cùng của xung đột âm thầm mà dữ dội ấy như ngòi bút của Nam Cao. Ông ít miêu tả trực tiếp những xung đột và đấu tranh giai cấp trên bề mặt của đời sống, ông thiên về diễn tả những bi kịch nội tâm với biết bao giằng xé, cắn rứt, tủi nhục, ân hận trong từng con người. Đừng nghĩ rằng chỉ những trí thức tiểu tư sản như Thứ, Điền, Hộ mới có bi kịch nội tâm, mới có những vật lộn, ray rứt, ân hận. Ngay cả Chí Phèo, một con người đã mất gần hết nhân tính, lúc tỉnh rượu cũng nhận ra một trạng thái dường như ăn năn. Lão Hạc xung quanh chuyện bán con chó vàng cũng là cả một sự giằng xé âm thầm, dai dẳng… và khi đã bán rồi, lão khóc hu hu vì khổ đau, ân hận. Lão không chỉ tiếc thương con chó, mà còn ân hận cắn rứt không thôi vì đã nỡ đánh lừa một con chó.
Ít có ai phát hiện, thấu hiểu và diễn tả tinh tế nỗi đau khổ, dày vò về tinh thần, những vẻ đẹp bên trong của những con người khôn khổ, tội nghiệp… như ngòi bút của Nam Cao.