Môn học Financial Reporting trong chương trình ACCA thuộc cấp độ Applied Skills. Môn này đang có tỉ lệ học viên thi và đỗ khá cao, khoảng 45%, so với các môn khác cùng cấp độ.
Mục lục
Bảng cân đối kế toán (Statement of Financial Position) được đề cập nhiều trong môn Financial Accounting và Financial Reporting. Bảng này cũng được coi là báo cáo căn bản và được sử dụng trong nhiều môn học khác trong chương trình ACCA và chương trình Kế toán – Tài chính nói chung.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết nội dung của Bảng cân đối kế toán nhé!
1. Tên gọi và ý nghĩa của Bảng cân đối kế toán
Trước đây, Bảng cân đối kế toán có tên gọi là “Balance Sheet” – tạm dịch là “Bảng cân đối kế toán”. Tuy nhiên, tên gọi này chỉ phản ánh nội dung của phương trình kế toán: Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn.
Tuy nhiên, thông qua báo cáo này, chúng ta có thể đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các số liệu về:
- Tổng tài sản – phản ánh quy mô của doanh nghiệp
- Tỉ lệ tài sản và nợ phải trả – cho biết thông tin về sự độc lập hay phụ thuộc về mặt tài chính của doanh nghiệp vào nguồn lực bên ngoài
Đây là lý do Chuẩn mực kế toán quốc tế số 01 – IAS 01: Presentation of Financial Statements đổi tên “Balance Sheet” thành “Statement of Financial Position”.
2. Cấu trúc của Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán phản ánh số dư tại một thời điểm (thường là đầu và cuối niên độ kế toán của doanh nghiệp) về các khoản mục:
- Tài sản (assets): những thứ mà doanh nghiệp có thể kiểm soát được, nguyên giá có thể đo lường một cách đáng tin cậy và có thể mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai.
- Nợ phải trả (liabilities): nghĩa vụ của doanh nghiệp và được đo lường một cách đáng tin cậy, hình thành từ sự kiện trong quá khứ, và khi doanh nghiệp tất toán nghĩa vụ này, doanh nghiệp sẽ mất một phần lợi ích kinh tế trong tương lai.
- Nguồn vốn chủ sở hữu (equity): là phần còn lại của tài sản sau khi tất toán các nghĩa vụ nợ phải trả.
Các khoản mục cần được chia ra thành ngắn hạn (current) và dài hạn (non-current).
3. Phân loại ngắn hạn và dài hạn trên Bảng cân đối kế toán
Nếu tài sản hoặc nợ phải trả bao gồm một khoản sẽ được nhận hoặc cần thanh toán trong 12 tháng và một khoản sẽ được nhận hoặc thanh toán sau 12 tháng, người lập và trình bày báo cáo tài chính cần phân biệt rõ thành khoản dài hạn và ngắn hạn (12 tháng).
3.1 Tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn
Tài sản ngắn hạn bao gồm:
- Tài sản dự kiến sẽ được sử dụng trong một chu kỳ kinh doanh thông thường của doanh nghiệp.
- Tài sản nắm giữ để sử dụng cho mục đích thương mại.
- Tài sản dự kiến được sử dụng trong vòng 12 tháng sau ngày kết thúc niên độ kế toán.
- Tiền và các khoản tương đương tiền.
Các tài sản khác được phân loại là tài sản dài hạn.
3.2 Nợ phải trả ngắn hạn và nợ phải trả dài hạn
Các khoản nợ phải trả ngắn hạn bao gồm:
- Các khoản nợ dự kiến sẽ cần thanh toán trong một chu kỳ kinh doanh thông thường.
- Các khoản nợ nắm giữ cho mục đích kinh doanh.
- Các khoản nợ đến hạn trong vòng 12 tháng.
- Các khoản nợ mà doanh nghiệp không có quyền hoãn thanh toán trong thời gian 12 tháng kể từ khi kết thúc niên độ kế toán.
Các khoản nợ phải trả khác được phân loại là dài hạn.
4. Các khoản mục được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán
Một số khoản mục phổ biến mà chúng ta thường gặp trên Bảng cân đối kế toán bao gồm:
- Tài sản cố định hữu hình (bất động sản, nhà xưởng và thiết bị)
- Bất động sản đầu tư
- Tài sản vô hình
- Tài sản tài chính, bao gồm:
- Các khoản đầu tư được hạch toán theo phương pháp vốn chủ
- Phải thu khách hàng
- Tiền và các khoản tương đương tiền
- Tài sản sinh học
- Hàng tồn kho
- Tài sản nắm giữ chờ thanh lý
- Các khoản nợ tài chính, bao gồm:
- Phải trả người bán
- Các khoản dự phòng
- Các khoản thuế phải nộp và thuế được khấu trừ
- Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Ngoài ra, người lập báo cáo cần chú ý phân loại chi tiết một số khoản mục theo từng đối tượng cụ thể, bao gồm các loại tài sản cố định hữu hình, phải thu khách hàng, loại hàng tồn kho, các khoản dự phòng và các loại quỹ.
Đó là những thông tin cơ bản về Bảng cân đối kế toán mà chúng ta nên nắm khi tiếp cận chương trình Kế toán – Tài chính, đặc biệt là trong môn Financial Reporting.
Chúc các bạn học tập thật tốt!
(Nguồn ảnh: link)