Lí luận văn học không chỉ áp dụng trong các bài thi của học sinh giỏi hay trong cuộc thi Văn các cấp mà chúng ta cũng cần sử dụng lí luận văn học để gây ấn tượng mạnh cho người chấm thi, khiến bài viết trở nên sâu sắc hơn, từ đó nâng cao điểm số bài thi của các bạn. Dưới đây là 8 lí luận văn học mà các bạn có thể tham khảo để đưa vào bài văn của mình.
Mục lục
- 1. 1. ”Tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc…” (Aimatop)
- 2. 2. Cách nhận định ngôn ngữ trong tác phẩm văn học
- 3. 3. Chi tiết tác phẩm
- 4. 4. Hiện thực trong tác phẩm và cuộc sống
- 5. 5. Nghệ thuật hiện thực
- 6. 6. Thơ
- 7. 7. ”Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật” (Huygo)
- 8. 8. Giá trị nhân đạo
1. ”Tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc…” (Aimatop)
Để tăng tính thuyết phục của phần kết bài, bạn có thể sử dụng câu lí luận văn học này. Ví dụ, ”Khép lại tác phẩm A của nhà văn B chúng ta càng rõ hơn nhân định ‘Tác phẩm chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc..’. Chính.. (vấn đề cần nghị luận) đã khiến cho tác phẩm chiến thắng sự nghiệt ngã của bụi mù thời gian và neo đậu mãi trong trái tim người đọc nhiều thế hệ.”
2. Cách nhận định ngôn ngữ trong tác phẩm văn học
”Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo.” (Nguyễn Tuân)
Câu nhận định này áp dụng cho các nhà văn luôn đưa tính miêu tả, biểu cảm trong những đứa con tinh thần của mình. Ví dụ như Nguyễn Tuân tác giả của ”Người lái đò sông Đà” khi miêu tả vẻ đẹp riêng của dòng sông Đà vừa hung bạo lại trữ tình bằng cách tập trung miêu tả con sông, nhấn nhá với những ngôn từ tài hoa uyên bác, giàu tính thẩm mỹ với phong cách tinh tế, phóng khoáng. Khiến người đọc say mê trước ”thứ vàng mười của thiên nhiên Tây Bắc” có sẵn trong con người lao động bình dị.
3. Chi tiết tác phẩm
”Chi tiết làm nên hạt bụi vàng của tác phẩm” (Pauxtopxki)
Câu nhận định này có thể áp dụng vào trong các tác phẩm truyện bằng cách sử dụng các chi tiết đắt giá. Ví dụ, trong ”Chí Phèo” chi tiết cái lò gạch cũ tượng trưng cho vòng lặp cho số phận bi thảm của người dân nghèo trước cách mạng tháng Tám. Hay chi tiết bát cháo hành tuy đơn sơ nhưng lại toả sáng lấp lánh giữa cuộc đời tăm tối, thối nát của anh Chí, là liều thuốc giải cảm cũng như liều thuốc thức tỉnh nhân tính.
4. Hiện thực trong tác phẩm và cuộc sống
”Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời.” (Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc)
Các bạn có thể áp dụng linh hoạt trong các tác phẩm có yếu tố tả thực, lột tả cuộc sống hiện thực. Ví dụ, ”Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu đã lột tả một bức tranh con người lao động thời kỳ hậu chiến một cách chân thực, tinh tế. Những trang sách của ông khắc hoạ hiện thực ở đời khi bên cạnh bức tranh cảnh biển bình minh làng chài tuyệt đẹp là bức tranh bạo lực gia đình vì bức bối về cơm áo gạo tiền.
5. Nghệ thuật hiện thực
”Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.” (Nam Cao)
Văn chương cần lột tả hiện thực chứ không nên dùng ngôn từ hoa mỹ để che lấp sự thật tàn khốc. Ví dụ, miêu tả chân thực cuộc sống nghèo khổ của nông dân lao động trước cách mạng tháng Tám một cách trần trụi, tàn nhẫn gắn với hình ảnh của lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, chị Dậu trong ”Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao…
6. Thơ
”Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy” (Tố Hữu)
Thơ thường được lên trong những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc sống. Ví dụ, lý tưởng của Đảng của cách mạng soi rọi ý chí đang lạc lõng của Tố Hữu trong tác phẩm ”Từ Ấy” hay sự uất ức bất công cho số phận người phụ nữ trong ”Tự Tình” của Hồ Xuân Hương.
7. ”Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật” (Huygo)
Văn học Việt Nam luôn mang đến những chủ đề đặc biệt và không giống nhau trong cuộc sống nhân vật và ý nghĩa truyền tải qua phong cách của tác giả. Bạn có thể sử dụng câu lý luận này như một mở bài hoàn hảo để bước vào phân tích tác phẩm.
8. Giá trị nhân đạo
”Nhà văn chân chính là người suốt đời chỉ truyền bá một thứ tôn giáo: tình yêu thương con người”
Giá trị cốt lõi của tinh thần nhân đạo trong mỗi tác phẩm đều hướng về con người. Bạn có thể áp dụng mẫu câu lý luận này khi phân tích giá trị nhân đạo của một tác phẩm nào đó.
Lí luận văn học không hề khó khi bạn hiểu rõ cách thức áp dụng của nó. Chỉ cần thuộc 3 đến 4 lí luận văn học để áp dụng linh hoạt trong mọi tình huống khi viết văn làm cho bài văn của các bạn trở nên thu hút và sâu sắc hơn. Hi vọng các lý luận cùng những ví dụ trên sẽ giúp cho các bạn trở nên yêu thích văn học hơn nhưng mà nhớ đừng có quá rập khuôn nhé.