Khổng Tử đã từng nói “Tam thập nhi lập”, tức là lúc 30 tuổi, bản thân ông bắt đầu lập chí. Câu này đã trở thành giai đoạn quan trọng trong cuộc đời con người qua nhiều thế hệ. Trong khoảng thời gian 10 năm, từ 20 đến 30 tuổi, ta đứng trước sự trăn trở lựa chọn hướng đi cho cuộc đời, xác định mục tiêu và lý tưởng để đam mê, phụng sự, hiến thân và tôn thờ. Đây là thời gian đầy thử thách, có thể trải qua nhiều thất bại và tổn thương, nhưng quan trọng nhất là sau những trải nghiệm đó, ta phải lập được một chí hướng vững chắc để theo đuổi tới cùng.
Món quà đẹp nhất của tuổi 30 không phải là tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực hay sắc đẹp, mà chính là tâm thái hân hoan xác lập một chí hướng rõ ràng. Đó là trạng thái tâm chí mạnh mẽ và dũng cảm, tưởng như có thể vượt mọi chướng ngại để đi đến cùng, để hiến dâng cho lý tưởng ta đã chọn. Tất nhiên, cũng có người lập chí từ rất sớm, trước khi đạt 30 tuổi, điều đó không gò bó.
Chí hướng là bức tường ngăn cách những nhóm người khác nhau, vì chí hướng là sự định vị, lựa chọn và phân loại của từng cá nhân. Khi ta định vị mình là người trung thực và lựa chọn trung thực, ta đã tạo ra một bức tường vô hình ngăn cách ta với những người không trung thực. Lập chí là nhiệm vụ của cả đời, là quá trình phấn đấu lâu dài để đạt đến lý tưởng. Nếu hôm nay chúng ta lập chí theo đuổi danh vọng, ngày mai lập chí tu hành thoát tục, đó gọi là tâm thái hoang mang và không thể được gọi là lập chí.
Quan niệm này của Khổng Tử đã gắn bó sâu sắc với tâm trí con người trong suốt hơn hai ngàn năm. Người ta giáo dục con cái, người lớn hướng dẫn người nhỏ, đều âm thầm truyền tải tư tưởng này của Khổng Tử. Trong cuộc sống ngắn ngủi này, con người luôn khao khát xác lập một giá trị tồn tại cho bản thân. Chúng ta muốn làm được một điều gì đó, để để lại một di sản cho thế hệ sau, hoặc để lại cho con cháu những phẩm chất tốt mà chúng ta có.
Nhưng nếu… Khi gần cuối đường đời, chúng ta nhận ra rằng lý tưởng mà chúng ta theo đuổi suốt đời lại gây tai họa cho người khác, và chúng ta hối hận vì đã lựa chọn nó, liệu việc đó có được gọi là lập chí không? Tôi tin rằng người 70, 80 tuổi vẫn có thể được gọi là lập chí khi họ từ bỏ chân lý mà họ đã phụng sự để hướng tâm thức đến một ý niệm cao cả và thánh thiện hơn.
Nhân sinh như một giấc mơ, thời gian chỉ là một cảm thức và mọi tư tưởng sẽ luôn thay đổi. Chỉ có tình yêu thương, sự khoan dung và lòng vị tha mới mãi mãi đi cùng chúng ta trên hành trình khó khăn trong giấc mộng của nhân loại.
Tùng Văn
Tranh: Triệu Văn Trúc (Vạn vật hóa sinh, sinh bổn vô sinh)