Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đền Hùng, nơi cội nguồn của dân tộc và đất nước, luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiệm gắn bó với dân tộc Việt Nam.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – Ngày hội vinh danh Tổ tiên
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ được coi là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó, lễ hội đã diễn ra thường niên với nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Từ xa xưa, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Như bản ngọc phả viết thời Trần và sao chép đóng dấu kiềm tại Đền Hùng, những triều đại từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại Hồng Đức Hậu Lê đã cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Việc cúng tế vẫn duy trì theo cách truyền thống. Đại diện các triều đại quản lý Đền Hùng bằng cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái và làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch. Đồng thời, dân sở tại được miễn nộp thuế, miễn đóng sưu và miễn đi phu đi lính.
Sự quan trọng của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo của Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng xác nhận. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau cách mạng tháng Tám (1945), Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng Đền Hùng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL – CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.
Ngày hội văn hóa mang giá trị toàn cầu
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn trong năm. Từ năm 1995, ngày này đã trở thành ngày lễ lớn – QUỐC LỄ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước đã quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.
Ngày hội này cũng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và bảo vệ đất nước. Năm 2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự khẳng định về giá trị toàn cầu và ý nghĩa của Di sản vô cùng quý giá này.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là ngày hội trong lòng dân tộc Việt Nam mà còn là dịp để quảng bá ra thế giới về một di sản độc đáo đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, trở thành đạo lý truyền thống của con cháu Việt Nam. Chúng ta, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hãy cùng nhau giữ lấy nước và gìn giữ Di sản văn hóa này mãi mãi.