Cổng tam quan, một hình ảnh quen thuộc tại các công trình như đền, chùa, miếu, lăng mộ,… nhưng ý nghĩa kiến trúc cổng tam quan trong văn hóa người Việt là gì không phải ai cũng biết. Dưới đây là lời giải đáp về ý nghĩa của kiến trúc cổng tam quan này.
Mục lục
Kiến trúc của cổng tam quan
“Cổng tam quan” nghĩa là ba cửa. Cổng tam quan được thiết kế ba lối đi với phần cửa chính giữa lớn và hai cửa nhỏ hai bên. Phần vách của cổng thường được làm bằng gỗ hoặc xây tường gạch, đá. Phần phía trên thường được lợp mái, phần hai bên cổng thường có tạc câu đối. Phần nối liền các vách và các trụ là phần trán cổng có ghi tên chùa, đền, lăng mộ… hoặc cũng có thể đề tên cửa. Cổng được phân loại thành hai loại:
- “Cổng có gác” là các cổng thiết kế nhỏ có thể là một tầng, hai tầng, ba tầng mái hoặc có gác. Đối với các cổng có gác, phía trên thường dùng để treo chuông, khánh….
- “Cổng tứ trụ” là cổng thay vì thiết kế các vách tường thì làm bốn trụ tạo thành ba lối đi. Phần phía trên nối liền bốn trụ là phần trán cổng.
Ý nghĩa kiến trúc cổng tam quan trong văn hóa Việt
Ý nghĩa theo quan niệm của Phật giáo
Ý nghĩa phổ biến nhất của kiến trúc cổng tam quan là tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”. Trong đó, “hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), “không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “trung quan” là thể hiện sự trung dung của cả hai yếu tố sắc và không.
Nhưng cũng có một thuyết khác lý giải về thuật ngữ này mang ý niệm về “tam giải thoát môn” bao gồm các cửa vô tác, vô tướng và vô không để có thể bước vào cõi Niết Bàn. Chỉ khi con người hiểu được ý nghĩa của ba cửa này thì mới có thể thoát khỏi được những sân si, oán hận, đau khổ để tìm được sự bình yên, an lạc trong tâm hồn. Ngoài ra, nó còn có mang một ý nghĩa khác là cổng dành cho Tam bảo.
Ý nghĩa theo quan niệm của thời vua chúa xưa
Vào thời vua chúa ngày xưa, các công trình thường xây dựng cổng tam quan. Đó là bởi quy định lối chính giữa là dành cho vua, bên cửa tả dành cho quan văn, bên cửa hữu dành cho quan võ. Chính vì vậy, các cổng làng hay các công trình đền, chùa, đình, miếu, lăng mộ đều xây dựng kiểu cổng để đón vua chúa về thăm. Vào những ngày thường, cửa chính thường được đóng chỉ mở hai cửa hai bên trừ các dịp lễ lớn hay đón vua, chúa về thăm thì cửa chính mới mở.
Trên đây là lý giải về ý nghĩa kiến trúc cổng tam quan trong văn hóa của người Việt. Hi vọng với những chia sẻ này giúp bạn hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo này. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cổng đá, cổng tam quan làm bằng đá và nhiều thông tin độc đáo về văn hóa, kiến trúc lăng mộ của người Việt hãy truy cập website để cập nhật nhiều thông tin hữu ích.