Cách trung tâm thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng hơn 3km về phía Tây, có một ngôi chùa nhỏ, nơi suốt hơn 25 năm qua rất nhiều trẻ mồ côi, bất hạnh đã được nuôi dưỡng thành người.
Mục lục
Nghĩ cử đẹp chốn “nâu sồng”
Từ nhiều năm nay, thanh âm bắt đầu cho một ngày mới ở chùa Lộc Thọ (xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang), bên cạnh tiếng chuông chùa quen thuộc là tiếng học bài của trẻ em. Một dãy phòng học khá khang trang đã mang lại cho ngôi chùa một sức sống, sức sống của niềm vui con trẻ được đến trường, được ăn, được học… Được biết, tất cả 120 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 học trong chùa đều là những trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo không có điều kiện học hành.
Buổi sáng, hơn 120 trẻ em rộn rã trong lớp học
Sư bà Thích nữ Diệu Ý, người sáng lập chùa, cũng chính là người dựng nên lớp học tình thương và mở rộng vòng tay đón nhận những trẻ em bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi. Ban đầu, Sư bà thấy cảnh nghèo khó của người dân, suốt ngày chỉ lo làm lụng kiếm cái ăn. Con em họ không được đi học, suốt ngày ở nhà lêu lổng. Lo lắng cho tương lai của chúng, Sư bà liên hệ với bố mẹ các em mong được dạy chữ cho con họ.
Từ đó, lớp học đơn giản là những bàn ghế đơn sơ kê trong chùa với vài trẻ em nghèo. Tiếng lành đồn xa, trẻ em nghèo khó được bố mẹ chúng hy vọng gửi gắm Sư bà ngày càng nhiều. Năm 1992, lớp học bằng tranh tre được dựng lên, mang con chữ đến giúp bao cảnh nghèo. Và rồi tiếp đó, một lần nữa ngôi chùa đón nhận và nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi bị bố mẹ bỏ rơi.
Nuôi dưỡng niềm tin và ấm áp gia đình
Hơn 20 năm dựng trường, chỉ những thân phụ nữ chăm lo cho hàng trăm đứa trẻ mồ côi, nghèo khó. Học sinh ở trường chủ yếu là con hộ nghèo trong xã, hoặc những trẻ bán vé số cơ nhỡ, con của những người làm thuê khó khăn, dân di cư từ nơi khác đến… Ngôi trường nhỏ nhưng học sinh rất đông, không đáp ứng đủ nhu cầu của các em. Đó là nỗi lo, nỗi trăn trở của Sư bà Thích nữ Diệu Ý.
Năm 2006, khi đến thăm chùa, cảm động trước tấm lòng thiện nguyện, bao dung của các Ni sư, gia đình Stephanie Lan Wong và bằng hữu từ Canada và Hoa Kỳ đã ủng hộ tiền để xây dựng lớp học tình thương với 4 phòng học mới. Hiện nay, chùa có lớp mẫu giáo, hai lớp 1 và 2; một lớp học ghép từ lớp 3 đến lớp 5. Buổi sáng, sau tiếng chuông chùa, hơn 120 cháu từ mẫu giáo đến lớp 5 (trong đó có hơn 100 em có hoàn cảnh khó khăn được cha mẹ gửi đến ăn học tại chùa) vào lớp học.
Ngôi chùa nhỏ ngập tràn tiếng cười, nói của các bé trêu đùa nhau. Bên góc sân chùa, có đầy đủ các đồ chơi, vòng quay như một nhà trẻ. Trưa, sau giờ tan học, các em được nhà chùa lo cho bữa ăn miễn phí, là bữa ăn chay bình dị mà đầy ắp nghĩa tình. Chiều tà, các Ni sư lại lặng lẽ chăm lo, bón từng bát cháo, ru giấc ngủ cho trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ thuở sơ sinh… Các Ni sư thương yêu, đùm bọc, xem chúng như là một phần máu thịt của mình.
Mỗi khi giờ học bắt đầu cũng là lúc các Ni sư, sư cô và các Phật tử trong chùa lại tất bật lo bữa ăn cho trẻ. Hơn 120 trẻ em, lo đủ bữa ăn chẳng phải dễ dàng. Việc nấu bếp ở chùa do các Phật tử phát tâm đến chùa làm công quả đảm nhiệm. Phần lớn họ là những cụ già tuổi đã cao, nhưng tâm từ bi rộng mở. Họ tin rằng, cái tâm đã giúp họ vượt qua bao vất vả.
Nơi trẻ em được nuôi dưỡng, ấm áp và hạnh phúc
Sau khi học xong lớp ở chùa, các em sẽ nhận được giấy chứng nhận của Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp. Em nào muốn học tiếp sẽ được tạo điều kiện để học bên ngoài. Và, nhiều em đã tiếp tục đi học ở lớp cao hơn, được hòa nhập cộng đồng.
Bài viết liên quan:
Cô giáo Bùi Thạch Ngọc Châu, giáo viên lớp học tình thương chùa Lộc Thọ chia sẻ: “Tôi gắn bó với trường đã gần 4 năm, các em lang thang ngoài đường, Sư bà mở lớp tình thương nhưng thiếu giáo viên, chúng tôi tình nguyện đến đây giúp đỡ để các em được đến trường như bao trẻ khác. Ngoài mấy sinh viên mới ra trường, chúng tôi là giáo viên nghỉ hưu muốn góp sức phần còn lại của đời mình mang chữ đến cho con trẻ mồ côi, cơ nhỡ”.
Chuyện của những đứa trẻ bị bỏ lại cửa chùa
Sư cô Thích nữ Diệu Lạc, trụ trì chùa Lộc Thọ cho biết, nhiều người đã gầy dựng nơi này từ một nơi hoang vắng thành một trường học đúng nghĩa, nơi khang trang để thờ Phật và nuôi nấng trẻ. Có nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ trước cổng chùa. Có khi là lúc sáng sớm, hay giữa trưa vắng người. Thường họ chỉ bỏ lại trẻ với bộ đồ và một cái khăn chứ không có thêm gì khác. Đa số các bé đều bị một bệnh lý hay dị tật. Cũng có nhiều trường hợp chúng được bố mẹ dắt đến rồi bảo chờ bố mẹ quay lại, sau đó họ bỏ đi mất tăm và để lại đứa bé tội nghiệp.
Những trẻ mồ côi ở đây hầu như không biết gốc gác bố mẹ chúng. Chính vì vậy, từ cái tên hoặc chứng minh, ngày sinh đều do các sư cô tự đặt. Bé Thiện Huệ bị bố mẹ gói trong một chiếc khăn vứt trước cổng chùa. Cháu rất bụ bẫm và dễ thương nhưng lại thiếu mất hai cánh tay. Hiện nay, cháu đã 3 tuổi, cháu bé ngây thơ vẫn chưa đủ nhận thức để biết những nỗi đau mà mình gánh phải. Dù không có tình cảm từ cha mẹ, nhưng cháu rất may mắn khi được tất thảy mọi người yêu thương, che chở dưới mái ấm tình thương này.
Mấy tháng trước, có một trẻ sơ sinh bị bỏ trước cổng chùa ngay khi còn đỏ hỏn, chỉ nặng 1,4kg. Các sư cô hốt hoảng đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để nằm lồng kính. Hơn một tháng rưỡi sau, cháu mới cứng cáp như trẻ bình thường. Tuy nhiên, các sư cô lại rất buồn khi nhận ra cháu bé có dị tật ở mắt. Lo cho cháu, NS.TN Diệu Giác đưa cháu vô Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM để chữa trị. Hiện nay, sức khỏe cháu dần ổn định. Tuy nhiên, cháu phải dùng sữa ngoài và thuốc men rất tốn kém. Và còn nhiều cảnh mồ côi tội nghiệp nữa đang được chùa bao bọc, che chở.
Khi hỏi, ở hoàn cảnh như thế này, các sư cô có nản không, nhất là khi các bé đau ốm liên miên thì SC.Diệu Lạc chỉ cười lắc đầu nói: “Khi mình có tâm thiện, từ tấm lòng phát ý muốn cống hiến, thì mọi việc khó khăn đều thấy đơn giản lắm. Với lại, được chăm lo từng miếng ăn, dạy từng con chữ cho các bé mỗi ngày là niềm hạnh phúc lớn lao đối với các sư cô trong chùa”.
“Các cháu là những “mầm xanh” đến chùa tức là có duyên với chùa với Phật. Mình cứ nuôi dạy chúng, gieo mầm lành để về sau, các cháu còn giúp đời làm việc tốt. Khi các cháu lớn, cháu nào muốn tiếp tục thì nhà chùa vẫn ủng hộ. Con đường đời hay đạo do các cháu tự chọn. Chúng tôi chỉ làm tròn trách nhiệm nuôi nấng, hướng các cháu những điều tốt đẹp”, SC.TN Diệu Lạc nói.
Ảnh: Chùa Lộc Thọ Nha Trang