Bài thơ “Chiều xuân” của tác giả Anh Thơ ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân ở miền Bắc và bày tỏ tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả. Để giúp bạn hiểu rõ và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến bài thơ này, hãy tham khảo các đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề.
Đề đọc hiểu “Chiều xuân” – Anh Thơ
Đề số 1
Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (Chiều xuân – Anh Thơ)
Câu 1: Đoạn thơ trên chủ yếu được viết theo phương thức biểu đạt nào?
Câu 2: Bức tranh chiều xuân hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm gì?
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thứ hai và thứ ba của đoạn thơ?
Câu 4: Anh/chị thấy được những điều gì trong tâm hồn tác giả qua đoạn thơ trên?
Đáp án đề đọc hiểu “Chiều xuân” số 1:
Câu 1: Đoạn thơ trên chủ yếu sử dụng phương thức biểu đạt là miêu tả.
Câu 2: Bức tranh chiều xuân hiện lên trong đoạn thơ có đặc điểm là:
- Bức tranh thuỷ mặc chấm phá những nét đầy thi vị về một buổi chiều mưa xuân ở quê nhà.
- Cảnh đẹp, bình yên nhưng mang sự buồn.
Câu 3: Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thứ hai và thứ ba của đoạn thơ là biện pháp tu từ nhân hóa: “đò – biếng lười – mặc”, “quán tranh – đứng im lìm”.
- Tác dụng của biện pháp tu từ đó là:
- Biến những vật vô tri, vô giác thành sống động, có hồn, gợi hình, gợi cảm.
- Góp phần khắc họa hình ảnh thiên nhiên, làng quê vắng lặng, im lìm, bình yên nhưng cũng đượm buồn.
Câu 4: Tâm hồn của tác giả trong đoạn thơ:
- Tấm hồn nhạy cảm, tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời buổi chiều xuân.
- Tấm lòng yêu thiên nhiên và quê hương sâu sắc.
Đề số 2
Đọc đoạn thơ trong bài “Chiều xuân” của Anh Thơ và thực hiện các yêu cầu sau:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.” (Chiều xuân – Anh Thơ)
Câu 1: Cảnh xuân trong đoạn thơ được miêu tả bằng những hình ảnh thiên nhiên nổi bật nào?
Câu 2: Cảnh xuân ở đây nói lên tình cảm gì của tác giả?
Câu 3: Chỉ ra các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và nêu hiệu quả biểu đạt của chúng.
Đáp án đề đọc hiểu “Chiều xuân” số 2:
Câu 1: Cảnh xuân trong đoạn thơ được miêu tả bằng những hình ảnh thiên nhiên nổi bật như: mưa bụi, hoa xoan tím rụng tơi bời, cỏ non tràn biếc, đàn sáo đen, mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió, trâu bò thong thả cúi ăn mưa,…
Câu 2: Cảnh xuân ở đây nói lên tình cảm của tác giả là niềm mến yêu cảnh sắc thiên nhiên gần gũi, thân thuộc; thể hiện sự gắn bó tha thiết với quê hương.
Câu 3: Các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ trên là: êm êm, im lìm, vu vơ, rập rờn,…
- Hiệu quả biểu đạt của chúng là: nhờ tính gợi tả cao, các từ láy trong đoạn thơ đã thể hiện được sự sống bình lặng của mỗi sự vật và trạng thái yên bình của cảnh vật, tạo nên bức tranh xuân êm ả, thơ mộng của chốn quê.
Đề số 3
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.” (Chiều xuân – Anh Thơ)
Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.
Câu 3: Các từ “êm êm”, “im lìm”, “tơi bời”, “vu vơ”, “rập rờn”, “thong thả”, “chốc chốc” thuộc loại từ nào?
Câu 4: Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ “Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi”? Tác dụng của biện pháp tu từ đó là gì?
Câu 5: Tìm những câu thơ có sử dụng từ chỉ màu sắc.
Đáp án đề đọc hiểu “Chiều xuân” số 3:
Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ là: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Câu 2: Phương thức biểu đạt của văn bản là: Miêu tả.
Câu 3: Các từ “êm êm”, “im lìm”, “tơi bời”, “vu vơ”, “rập rờn”, “thong thả”, “chốc chốc” thuộc loại từ láy.
Câu 4: Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ “Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi” là: Biện pháp tu từ nhân hoá.
- Tác dụng của biện pháp tu từ đó là: Bức tranh quê được cảm nhận sinh động và có linh hồn.
Câu 5: Những câu thơ có sử dụng từ chỉ màu sắc là:
- “Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (màu tím)
- “Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ” (màu xanh)
- “Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ” (màu đen)
- “Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng” (màu xanh)
- “Làm giật mình một cô nàng yếm thắm” (màu đỏ)
Trên đây là một số đề đọc hiểu bài thơ “Chiều xuân” của Anh Thơ mà chúng tôi đã sưu tầm được, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình ôn tập tại nhà!