Cây tắc kè đá (còn được gọi là tổ rồng, tổ phượng) có vị hơi đắng, tính ấm và có tác dụng bổ thận, mạnh gân xương, hoạt huyết và tán ứ. Dược liệu này được sử dụng rộng rãi để chữa chứng bong gân, gãy xương, ứ máu do té ngã, đau mỏi xương khớp và nhức răng do thận hư yếu.
Mục lục
Mô tả cây tắc kè đá
Tắc kè đá là loài thực vật sống phụ sinh trên đá hoặc những thân gỗ lớn. Thân rễ có dạng mầm và được phủ vảy màu vàng bóng. Cây có 2 dạng lá, lá thường dài 25 – 45cm, phiến lá màu xanh và xẻ thùy lông chim. Mặt dưới lá có các túi bào tử nằm rải rác không đều.
Bộ phận dùng và phân bố
Thân rễ của cây tắc kè đá được thu hoạch để làm thuốc. Cây mọc hoang ở dọc suối, núi đá và trên những thân cây gỗ, thường tập trung nhiều ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Đồng Nai, An Giang, Quảng Trị và Lâm Đồng. Ngoài ra, cây tắc kè đá cũng mọc nhiều ở Lào và Campuchia.
Tác dụng và cách sử dụng của cây tắc kè đá
Cây tắc kè đá có tác dụng chính là mạnh gân cốt, bổ thận, tán ứ và hoạt huyết. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, dược liệu này có tác dụng an thần, giảm đau và giảm lipid máu. Ngoài ra, nó còn tăng khả năng hấp thu phốt pho và canxi, giúp xương gãy mau liền.
Theo Đông y, tác dụng của cây tắc kè đá bao gồm tán ứ, hoạt huyết, tiếp cốt và bổ thận. Nó được sử dụng để chữa đau nhức xương khớp, đau răng do thận hư, suy nhược thần kinh và ứ huyết do chấn thương.
Cây tắc kè đá có thể sử dụng ở dạng ngâm và thuốc sắc, với liều lượng thường là 6 – 12g mỗi ngày. Ngoài ra, dân gian còn sử dụng dược liệu tươi để điều trị đau nhức do chấn thương.
Những bài thuốc từ cây tắc kè đá
Bài thuốc chữa thận hư gây đau lưng và ù tai
Chuẩn bị: Bầu dục lợn 1 cái và tắc kè đá (tán bột) 4 – 6g.
Cách thực hiện: Cho thuốc bột vào bên trong bầu dục lớn, sau đó hấp cách thủy và nướng chín. Mỗi ngày ăn 1 quả, ăn cách ngày.
Bài thuốc trị thận hư gây nhức mỏi xương khớp, đau nhức lưng, gối mỏi
Chuẩn bị: Tỳ giải, tắc kè đá, đỗ trọng, hoài sơn, cẩu tích, thỏ ty tử, rễ cỏ xước, rễ gối hạc, dây đau xương.
Cách thực hiện: Sắc với nước và uống trong ngày. Liệu trình kéo dài 10 ngày, thực hiện từ 3 – 5 liệu trình để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
Bài thuốc trị thận hư gây đau răng, chảy máu chân răng và răng lung lay
Chuẩn bị: Tắc kè đá 16g.
Cách thực hiện: Giã nhỏ và xát vào vùng lợi sưng đau, chảy máu. Thực hiện 2 lần/ ngày (sáng – tối) sẽ thấy triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.
Bài thuốc uống giúp bồi bổ thận và chắc răng
Chuẩn bị: Sơn thù, bạch linh, đơn bì, trạch tả, sơn dược, tế tân, tắc kè đá, thục địa.
Cách thực hiện: Sắc với nước và uống trong ngày. Áp dụng bài thuốc liên tục trong 10 ngày là kết thúc liệu trình.
Ngoài ra, còn có nhiều bài thuốc khác để chữa trị các bệnh liên quan đến xương khớp, thận hư và chấn thương.
Lưu ý khi sử dụng cây tắc kè đá để chữa bệnh
- Người âm hư huyết hư không nên dùng bài thuốc từ tắc kè đá.
- Cần thận trọng khi sử dụng dược liệu cho các trường hợp ứ máu và thiếu âm kèm nội nhiệt.
Để đảm bảo tác dụng điều trị của tắc kè đá, bạn cần lưu ý chọn mua dược liệu chất lượng và tham vấn y khoa để được tư vấn cụ thể về liều lượng và bài thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý.
Bài viết này được cung cấp bởi Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, một bệnh viện đa khoa Hạng I ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo dõi chúng tôi trên Facebook: facebook.com/BVNTP
Xem thêm video tại: youtube.com/bvntp