Khi chúng ta phân tích tư liệu, điều quan trọng là chúng ta nhớ rằng tư liệu được tạo ra tại một thời điểm trong quá khứ, thời điểm đó khác so với hiện tại. Kết quả là, các tư liệu có thể mô tả sự kiện theo nhiều cách khác nhau. Có những tư liệu, đặc biệt là tư liệu gốc, sẽ làm chúng ta cảm thấy lạ hoặc khó chấp nhận trong bối cảnh hiện đại.
Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải ghi nhớ bối cảnh lịch sử của tư liệu.
Bối cảnh lịch sử là gì?
Bối cảnh lịch sử là nhận thức của chúng ta rằng các tư liệu được tạo ra vào những thời điểm khác nhau trong quá khứ – khi tư liệu ra đời, người ta có niềm tin, quan điểm, lý tưởng sống khác với chúng ta hiện nay.
Xác định bối cảnh lịch sử cho phép chúng ta hiểu và chấp nhận những quan điểm, thái độ khác nhau từ quá khứ mà không phán xét.
Ví dụ: Khi đọc một lá thư từ thời La Mã cổ đại, chúng ta có thể thấy những điều xúc phạm về nô lệ. Nhận thức về bối cảnh lịch sử giúp chúng ta hiểu rằng chế độ nô lệ là bình thường và những lời xúc phạm không vi phạm đạo đức người La Mã. Điều này cho thấy dù ngày nay chúng ta không tán thành với việc duy trì nô lệ, nhưng chúng ta vẫn đánh giá cao thông tin trong lá thư đó.
Bối cảnh lịch sử cũng giúp chúng ta nhận thức rằng các sự kiện quan trọng tại thời điểm đó cũng ảnh hưởng đến tư liệu. Những sự kiện đặc biệt thường thúc đẩy mọi người tạo ra tư liệu theo một cách cụ thể. Người tạo ra tư liệu có thể đề cập đến các nhân vật hoặc sự kiện trong tư liệu của họ hoặc ảnh hưởng đến cách lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ của tư liệu.
Ví dụ: Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Do đó, nội dung, giọng điệu và ngôn ngữ của tác phẩm đều chịu ảnh hưởng từ bối cảnh lịch sử đó.
Làm thế nào để xác định bối cảnh ra đời của tư liệu?
Đầu tiên, chúng ta cần xác định thời điểm tư liệu được tạo ra. Điều này có thể là thế kỷ, thập kỷ, năm, tháng và ngày cụ thể. Ví dụ, một lá thư có thể có ngày tháng năm nhưng tư liệu từ thời kỳ đá cũ không có thời gian chính xác.
Thứ hai, chúng ta cần tìm hiểu nơi tư liệu được tạo ra. Nếu một người lính viết lá thư trong doanh trại trước khi chiến đấu, hoặc một phạm nhân viết lá thư trong tù, hoặc một tờ báo in một bản tin ở một thị trấn nào đó,… tất cả có thể mang ý nghĩa quan trọng để hiểu bối cảnh ra đời của tư liệu.
Thứ ba, chúng ta cần tìm hiểu các sự kiện quan trọng đã diễn ra tại thời điểm đó. Hãy nhớ rằng, chúng ta chỉ quan tâm đến các sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến tư liệu, không phải các sự kiện xảy ra ở những nơi khác trên thế giới và không liên quan.
Cuối cùng, hãy đọc kỹ thông tin trong tư liệu để xác định ngôn ngữ, ý tưởng và thuật ngữ cụ thể để hiểu ý nghĩa của tư liệu. Ví dụ, Bức thư của John Smith, gửi cho cha mẹ ông vào ngày 26 tháng 4 năm 1915 – một ngày sau cuộc đổ bộ của Gallipoli. Điều này giải thích tại sao ông miêu tả các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ là “kẻ giết người tàn ác”. Rõ ràng, ông viết tư liệu này để thông báo cho gia đình biết rằng ông đã sống sót sau ngày đầu tiên của trận chiến.
Khi dạy học cho học sinh, thay vì chỉ tập trung vào nội dung sự kiện, hãy giúp học sinh phát triển kỹ năng xác định bối cảnh ra đời của tư liệu. Điều này giúp học sinh áp dụng kỹ năng này vào việc phân tích thông tin trong cuộc sống.
Để có thêm công cụ hữu ích để tổ chức hoạt động dạy học và dạy kỹ năng này cho học sinh, thầy cô có thể tham khảo bộ tài liệu 101 Ý TƯỞNG SÁNG TẠO TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC LỊCH SỬ.
Nguyễn Hữu Long (Theo Historyskills.com)